Có người đi leo núi để thử thách giới hạn bản thân, có người bởi tình yêu thiên nhiên và phong cảnh hữu tình, cũng có người đơn giản chỉ là muốn thay đổi không khí,…
Thế còn tôi???
Riêng với bản thân tôi, mỗi hành trình leo núi là một lần tái tạo những năng lượng tích cực nhất cho chính mình. Gần như tất cả những khách hàng từng tìm đến nhờ tôi tư vấn Bát Tự đều được tôi khuyến khích áp dụng phương pháp “leo núi cải vận” này. Tôi cũng áp dụng phương pháp này cho cả những người anh em thiện lành của mình trong những dịp đầu năm.
Về bản chất, tôi nhìn nhận cuộc đời mình là một chuỗi liên tiếp những đồ thị hình sin lên xuống nối tới vô cùng, và nếu đem so sánh với những hành trình leo núi thì phần khác nhau cũng không có là bao. Cách chúng ta thực hiện một hành trình leo núi cũng rất tương đồng với việc chúng ta quản trị cuộc đời mình như thế nào.
1. Hãy rõ ràng mục tiêu, và phân đoạn hành trình.
Đối với mỗi hành trình leo núi, thực ra điểm đến đối với nhiều người chỉ là một cái tên mơ hồ, rủ đi thì đi. Nhưng khi chúng ta xác định rõ ràng đích đến là ở đâu, ở đó có gì để chúng ta chinh phục (phong cảnh/ độ cao/ độ khó???), chúng ta mới biết chúng ta có nên đi hay không. Từ đó tránh tình trạng đi bỏ cuộc giữa chừng vì khó quá/ mệt quá, đi tới đỉnh vất vả mà không có cảnh đẹp sinh chán nản,… đơn giản vì mục tiêu của bản thân không cùng điểm chạm với đích đến của hành trình.
Bên cạnh đó việc xác định mục tiêu rõ ràng cũng giúp chúng ta có thể phân đoạn hành trình hợp lý nhất: lúc nào đi, lúc nào nghỉ, lúc nào ăn uống, lên đỉnh/ xuống dốc ra sao??? Nhờ vậy mà phân phối sức lực một cách hiệu quả nhất.
Cuộc đời chúng ta cũng vậy, nếu không xác định rõ ràng chúng ta mong muốn điều gì, rất có thể kết quả cho những hành động của chúng ta sẽ chẳng liên quan gì đến mong muốn mơ hồ của chúng ta, chưa kể nó còn làm ta hao tâm tổn trí một cách vô ích.
2. Sự chuẩn bị là quan trọng nhất cho một hành trình thành công.
Sau khi rõ ràng mục tiêu, rõ ràng luôn phân đoạn hành trình, thì sự chuẩn bị thật kĩ lưỡng cho hành trình đó sẽ là tờ giấy bảo hiểm tốt nhất cho một cuộc leo núi. Với bộ môn đề cao sự dẻo dai và sức bền này thì thể lực là điều tối quan trọng, bạn càng luyện tập thể lực, leo cầu thang, đi bộ dốc, điều chỉnh hơi thở tốt bao nhiêu thì hành trình của bạn càng dễ dàng bấy nhiêu. Tiếp đến là trang phục, nếu thay vì một đôi giày thật cứng cáp, những bộ đồ cản gió thật tốt,… bạn lại diện những items hàng hiệu, có lẽ quãng đường xa nhất sẽ dừng ở lưng chừng bởi lý do duy nhất là không phù hợp. Cuối cùng là chuẩn bị tinh thần, hãy sẵn sàng cho mọi điều xảy ra với tâm thế tích cực nhất, tâm thế ta thế nào hành trình sẽ thế ấy.
Giống như mọi hành trình, kế hoạch trong cuộc sống, sự chuẩn bị sẽ quyết định rất lớn tới thành công của hành trình đó. Và hãy luôn chuẩn bị những gì phù hợp nhất với từng mục tiêu, hành trình hướng đến.
3. Quản trị hành trình với OGSM.
Hãy luôn đặt tầm nhìn về đích đến (O: Objective) như trong hành trình lần này của tôi là đỉnh Lảo Thẩn – 2860m, nhưng chia nhỏ đích nhắm (G: Goals) là từng chặng đường leo lên – xuống – ngủ – nghỉ (theo thời gian và quãng đường cụ thể). Từ đó có chiến lược cụ thể cho từng đích nhắm nhỏ (S: Strategies) như đi nhanh/ chậm thế nào, ngủ nghỉ ra sao,… Cuối cùng, chúng ta nên đo lại xem từng đích nhắm của chúng ta đã thành công được bao nhiêu phần (M: Measurements), với mỗi chặng đường đó chúng ta đã đi đủ hay quá thời gian so với mục tiêu mong muốn?
OGSM có thể giúp chúng ta khá hữu hiệu không chỉ trong một hành trình leo núi đơn giản, mà còn trong vô số các kế hoạch, chiến lược quản trị trong cuộc sống. Sống có mục đích và quản trị mục đích đúng, chẳng sợ gì mà mọi chuyện không ổn.
4. Hãy có những quãng nghỉ ngắn để bước tiếp.
Với những độ dốc thay đổi liên tục và chẳng đoạn nào giống đoạn nào, nếu không có những quãng nghỉ ngắn để điều chỉnh hơi thở và hồi phục thể lực thì chúng ta sẽ kiệt sức bất cứ lúc nào nếu cứ băm băm tiến bước. Một quãng nghỉ ngắn với những câu chuyện vui cùng đồng đội sẽ giúp chúng ta lấy lại năng lượng rất nhanh.
Cuộc sống này cũng vậy, đích đến là cả quá trình, hãy biết cách nghỉ ngơi đúng lúc để giữ sức cho cả trận đánh lớn, không ai có thể chỉ làm việc cả đời mà không dành thời gian chăm sóc bản thân và những người thân yêu bên mình.
Không phải mọi chuyện lúc nào cũng đúng kế hoạch, nhưng rồi tất cả sẽ ổn thôi.
Một trải nghiệm khá đáng nhớ trong hành trình lần này của chúng tôi là khi ăn uống no say phè phỡn giữa lưng chừng mây gió, ông chủ lán trọ mới thông báo hết chỗ ngủ. Vậy là cả đoàn phải xách bụng no leo tiếp cả trăm bậc dốc nữa mới có chỗ trú thân giữa đêm hoang vu gió hú lạnh căm. Nhiều anh em trong đoàn mệt tới mức tưởng như bỏ cuộc giữa chừng, nhưng rồi cuối cùng cũng tới điểm nghỉ và vào trong nhờ cách đập khoá phá cửa. ) Kết quả là đêm đó ngủ ngon, và buổi sáng đón bình minh đẹp tuyệt vời giữa biển trời mây khói.
Cuộc sống mà, không phải lúc nào cũng đi đúng hướng chúng ta mong muốn, quan trọng nhất là một tâm thế thoải mái đón nhận bất cứ điều quái quỷ gì có thể xảy đến. Chúng ta không được lựa chọn hết mọi điều, nhưng chúng ta có quyền chọn lựa cách chúng ta ứng xử với những gì xảy đến, và kết quả đôi lúc sẽ còn vượt cả kỳ vọng của chúng ta.
5. “Tiền nhiều để làm gì???”
Trong khi đang vật vã với câu hỏi “Làm gì để nhiều tiền?”, tôi cũng đã được trải qua cảm giác tự hỏi “Tiền nhiều để làm gì?”, khi mà ở lưng chừng núi, nước thì hết, họng thì khát, có bao nhiêu tiền cũng không mua nổi một ngụm nước.
Vậy đấy, nhiều khi có những chuyện mà có tiền cũng không giải quyết ngay và luôn được, mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Hãy bình tâm mà xử lý thôi.
Tất nhiên trừ trường hợp nhiều tiền quá, có thể dùng tools như gọi trực thăng về bản ăn uống no say xong lại chở lên leo tiếp. Cuộc sống mà, không phải lúc nào cũng công bằng, hãy biết chấp nhận để bước tiếp với những người cùng xuất phát điểm với mình.
6. Lên thì khó, xuống thì dễ.
Để có thể lên đến đỉnh cần một hành trình dài, rất nhiều quãng nghỉ, vô số lần thở gấp, tim đập nhanh. Nhưng để đi xuống thì lại băm băm như không có gì. Dù vậy trải nghiệm lên hay xuống đều có những cái khó riêng, đều thấy cơ thể bị ảnh hưởng ở những nhóm cơ khác nhau.
Trong cuộc sống, việc chúng ta đạt được đỉnh cao nào đó đôi khi vô cùng khó khăn, và nhìn lại cũng không biết mình đã vượt qua nó như thế nào. Nhưng khi thất thế thì mọi thứ sụp đổ cũng tương đối nhanh. Quan trọng nhất vẫn là tâm thế đối với mọi chuyện xảy đến. Còn mọi chuyện có tốt lên hay xấu đi thì cũng không phải là hoàn toàn tốt – hoàn toàn xấu, giống như quy luật âm dương tăng tiến, nhưng lúc nào trong dương cũng có âm và ngược lại, tốt hay xấu cũng là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề mà thôi.
7. Ai cũng có thể trở thành người truyền cảm hứng.
Đó là khi đôi chân tôi chùng xuống do phân phối sức không tốt, cảm giác anh em cứ đi, tôi nghỉ hẳn đến lúc khoẻ đi tiếp. Thì một cô bé trong đoàn vẫn tiếp tục tiến lên và ngoái lại cổ vũ mọi người: “Cố lên, sắp tới đỉnh rồi!” Dù biết là nói xạo nhưng tự nhiên tinh thần lên hừng hực, thế là nghỉ thêm mấy giây lại băm băm đi tiếp.
Kỳ thực, mỗi chúng ta đều luôn có những trải nghiệm và những niềm tin mà không phải ai cũng có, nếu đó là những niềm tin tích cực, hãy lan toả nó ra vì đó sẽ là động lực cho rất nhiều người có thể dựa vào tiến bước.
Còn rất nhiều điều muốn chia sẻ nhưng không có nhiều thời gian, hy vọng sẽ kể lể thêm trong những dịp khác. Có ai muốn biết thêm hay muốn tham gia những hành trình như thế này cùng tôi không?
Đôi điều chia sẻ,
Master Phuoc Nguyen
Khai Tam Architect & International Feng Shui Co., LTD
#Khai Tam
#Master_Phước_Nguyễn
#PhongThuy
#BatTu